Núi Trà Sư (thuộc khóm Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có tên chữ hiếm người biết, đó là Kỳ Lân Sơn. Núi tuy chỉ cao 146 mét nhưng có nhiều chùa chiền, am, miếu
, đồng thời cũng là nơi thường diễn ra những sinh hoạt tâm linh huyền bí. Lúc nào núi Trà Sư cũng có đông đảo khách thập phương thượng sơn cúng bái.
Đối diện Cửu Trùng Đài trên quốc lộ 91 là con đường ngắn nhất lên núi Trà Sư. Đó là một con dốc nhỏ hẹp, đi qua một cửa hàng dược liệu. Trước đây, con dốc có nhiều hòn đá nằm "ngăn" lối đi, khách phải khó nhọc đặt chân bước. Ngày nay, con dốc đã được tráng xi măng khá phẳng phiu, lại có hàng lan can vừa giúp khách nâng bước dễ dàng vừa đảm bảo an toàn cho khách. Bước 70 bậc cấp là khách đến khu vực chùa Tây Hưng. Đáng chú ý là lên 70 bậc cấp nữa, khách gặp ngôi Hòa Sơn Tự nằm bên trái con dốc.
Điện Huỳnh Long.
Hòa Sơn Tự do Sư cô Thích Nữ Như Nhã trụ trì từ năm 2008. Ngôi chùa nhỏ nhưng khang trang, sạch sẽ với những viên gạch men lót nền, tường sáng ngời, với tượng thờ chính là Phật Quan Âm một tay bắt ấn, tay kia cầm bầu nước cam lồ rưới xuống trần gian. Sau tượng Phật Bà trong tư thế đứng, che đầu bằng chiếc lá sen là bức bích họa Phật Thích Ca tham thiền. Sư cô Như Nhã không biết chùa có từ năm nào, chỉ biết trước đây nó là ngôi chùa bằng tre lá, về sau được xây gạch. Về trụ trì, Sư cô Như Nhã bắt tay vào vài việc tốt đẹp cho chùa. Đầu tiên là vận động bà con phật tử gần xa đóng góp tiền, vật liệu để Sư cô bắt tay làm đường trên núi khang trang, an toàn. Không chỉ làm đường từ dưới đất lên chùa, Sư cô và một số phật tử làm công quả còn hoàn thành các con đường trên núi. Có một con đường vòng, khách đi ngả nào cũng đến điện Huỳnh Long, qua Sân Tiên, Điện Quan Âm, Hang Hổ...
Tại chùa Hòa Sơn, ngay con dốc, khách thập phương ai cũng nhìn thấy tấm bảng màu lam ghi mấy chữ sơn đỏ: "Cơm bún/Từ thiện/Chùa Hòa Sơn". Trong chùa, có tấm bảng sơn màu lam, chữ đỏ: "Thực đơn: cơm, bánh ướt, bún bì, bún nước lèo, bánh tằm bì". Tất nhiên đều là đồ chay. Các bữa ăn từ thiện này đều được thực hiện từ khi Sư cô Như Nhã về đây trụ trì. Khách đến, ai cũng được Sư cô nhiệt tình mời dùng. Đáng quan tâm là anh Phạm Đạt Duy, 39 tuổi, là người phụ trách bếp từ nhiều năm nay cho chùa. Anh lúc nào cũng có nụ cười trên môi và câu nói "khích lệ": "Ăn no thôi. Đừng lo". Hằng ngày, từ 6 giờ sáng, anh Duy lên chùa bắt tay củi lửa, bưng dọn thức ăn cho khách một cách nhiệt tình. 6 giờ chiều, vãn khách, anh xuống núi, về nhà.
Dùng cơm chay no bụng, khách thong thả lên dốc, khám phá vài "bí ẩn" của núi Trà Sư. Đầu tiên là Hòn Đá Lăn - tảng đá núi to lớn nằm choán một góc miếu thờ Bà Chúa Sơn Lâm. Ông Lê Văn Xom, 56 tuổi, người lo nhang đèn miếu, cho biết: ngày 25-7-1991, có hai hòn đá, một hòn nặng khoảng 1 tấn, một hòn chừng 300kg, lăn từ đỉnh núi xuống nằm ngay góc miếu. Người ta sơn nhũ vàng hai hòn đá, tôn thờ "Chư Vị Sơn Thần", rồi xây miếu khác cạnh miễu Sơn Thần, thờ Cửu Thiên Huyền Nữ.
Từ Hòn Đá Lăn có hai ngã lên điện Huỳnh Long. Một ngã dốc cao, khúc khuỷu, ngã còn lại đường không dốc mấy, ngang qua một quán võng bằng tre lá khá đẹp mắt rồi lên dốc cao ngắn. Điện Huỳnh Long nằm trên cao ở một vồ đá, đường lên khúc khuỷu, bậc đá có tay vịn chắc chắn, tạo cảnh quan đẹp. Điện Huỳnh Long là một cái hang, nơi xưa kia đức Huỳnh Giáo chủ ở, trị bệnh cho bá gia, bá tánh. Hiện nay trong điện có một hang hẹp, thấp, có đặt cái chõng tre, mền gối cùng bức chân dung Đức Thầy sát tường vách núi. Vào sâu có một hang khá rộng nhưng thấp. Vách hang là bàn thờ, thờ tượng Phật Bà, cùng chân dung Phật Thầy Huỳnh Phú Sổ và Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Lên cao hơn, nơi đỉnh núi là Sân Tiên, rộng khoảng 500m2, có một tảng đá khổng lồ nằm sừng sững giữa trời xanh. Cạnh Sân Tiên có miếu thờ Chánh Soái, Trăm Quan Cựu Thần, Cửu Huyền, Thánh Mẫu. Còn có Bàn Chân Tiên trên tảng đá cao khoảng 12m. Từ đỉnh cao núi Trà Sư, khách nhìn thấy toàn cảnh núi Két, núi Dài Năm Giếng, kinh Vĩnh Tế nổi tiếng một vùng phong cảnh hữu tình, đẹp như tranh thủy mặc.
Núi Trà Sư dù không to lớn như núi Cấm nhưng cũng là một cảnh đẹp, thu hút nhiều khách hành hương. Nhận thấy ưu điểm đó, UBND huyện Tịnh Biên đang quy hoạch xây dựng khu du lịch núi Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng với diện tích trên 9ha, với các dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, tổng vốn đầu tư gần 99 tỉ đồng. Dự án này đưa vào khai thác sẽ nâng cao giá trị vùng núi này thành một trọng điểm du lịch tâm linh.
Bài, ảnh: CÚC TẦN