Phần lễ của lễ Vía Bà gồm năm lễ: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế.
Lễ tắm Bà. Lễ này được tổ chức vào lúc 24 giờ đêm 23 rạng ngày 24. Nói là tắm bà, nhưng thực tế là lau lại bụi bặm trên tượng thờ và thay áo mão cho Bà. Nước tắm tượng là nước thơm, bộ y phục cũ của Bà được cắt nhỏ ra phân phát cho khách trẩy hội và được coi như lá bùa hộ mệnh giúp cho người khoẻ mạnh và trừ ma quỷ. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó mọi người được tự do lễ bái.
Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà:Lễ này được tiến hành vào lúc 15 giờ ngày 24.Các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề sang lăng Thoại Ngọc Hầu nằm đối diện với miếu bà làm lễ Thỉnh Sắc rước bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại, bà nhị phẩm Trương Thị Miệt, và bài vị Hội đồng. Khi vào đến Miếu Bà, các bài vị trên được an vị ngôi chính điện, Ban quản trị dâng hương thỉnh an, lễ thỉnh sắc kết thúc. Tục lệ thỉnh sắc Thoại Ngọc hầu đã có từ lâu để tỏ lòng biết ơn ông là người có công khai phá vùng đất hoang vu này.
Lễ Túc Yết: Lễ được tổ chức 0 giờ ngày 25 rạng ngày 26. Tất cả các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề, đứng xếp hàng hai bên trước tượng Bà. Vật cúng gồm có: một con heo trắng (đã được cạo lông mổ bụng sạch sẽ, chưa nấu chín), một đĩa đựng huyết có ít lông heo gọi chung là "mao huyết", một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa gạo muối. Ông chánh bái làm lễ dâng hương, chúc tửu, hiến trà, dâng tế, sau đó thì hóa một ít giấy vàng bạc.
Lễ xây chầu: Sau cúng túc yết là Lễ xây chầu.Ông chánh bái sẽ bước tời bàn thờ đặt giữa võ ca, hai tay cầm dùi trống nâng ngang trán khấn vái. Phía bên trái bàn thờ có một tô nước và một nhành dương liễu. Ông chánh bái ca công cầm nhành dương nhúng vào tô nước rồi vảy nước ra xung quanh, vừa đọc to những lời cầu nguyện. Đọc xong, ông chánh bái ca công đặt tô nước, cành dương trở lại bàn thờ, ông đánh ba hồi trống và xướng "ca công tiếp giá", lập tức đoàn hát bộ nổi chiêng trống rộ lên và chương trình hát bộ bắt đầu. Các tuồng hát bộ sau đây thường được diễn tại miếu bà: Trần Bình Trọng, Sát Thát, Lưu Kim Đính, Trưng Nữ Vương v.v...
Lễ Chánh tế: Đến 4 giờ sáng ngày 26 cúng Chánh tế (nghi thức giống như cúng "túc yết"). Chiều ngày 27 đưa sắc Thoại Ngọc hầu về Sơn Lăng.
Phần hội diễn ra rất sôi nổi đan xen với phần lễ,các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén...thu hút nhiều du khách.
Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội mang bản sắc dân tộc đậm nét, nhưng cũng chứa đựng nhiều màu sắc địa phương Nam Bộ. Lễ hội thực sự là một lễ hội văn hoá dân gian đáp ứng nhu cầu văn hoá xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân.
Cinet tổng hợp