"Bao phen quạ nói với diều,
Cù lao ông Chưởng thiệt nhiều cá tôm".
Thật vậy, Cù lao ông Chưởng - một cù lao lớn nhất của tỉnh An Giang, chia sông Cửu Long thành hai dòng: sông Tiền và sông Hậu, hợp thành một miền đất nông nghiệp trù phú nhất tỉnh có nhiều tôm cá. .
Song song với cù lao ông Chưởng là cù lao ông Hổ - một cù lao nhỏ, chiều dài khoảng 8km, chiều ngang rộng nhất 5km, cách thành phố Long xuyên khoảng 4km. Cù lao ông Hổ nối tiếp với cồn bà Hỏa và các cù lao Phó Ba, cồn Phó Huế ở hạ lưu chia dòng sông Hậu thành hai luồng nước, rộng phía tả ngạn, hẹp phái hữu ngạn.
Chuyện kể rằng có hai vợ chồng cụ Tôn Văn Đề sang cù lao ông Hổ phá rừng, làm rẫy, trồng khoai, bắp, đậu.. rồi sinh 4 người con (2 trai, 2 gái). Khi đã có ăn, có để lại có con trai đầu lòng, đó là Bác Tôn Đức Thắng, sinh ngày 20/8/1888. Hai cụ quyết chí nuôi con, tìm thầy dạy học. Người thầy giáo đầu tiên là ông Nguyễn Thượng Khách, một nhà nho yêu nước. Thực ra thầy giáo Khách dạy Bác Tôn không được bao nhiêu chữ, cái chính là ông đã dạy làm người.
Vì không có điều kiện tiếp tục học bậc trung học, nên Bác Tôn quyết định rời cù lao ông Hổ lên Sài Gòn bắt đầu học nghề tại trường Bá nghệ (nay là trường Kỹ thuật Cao Thắng). Đi theo con đường làm thợ, Bác Tôn tin chắc rằng có nghề trong tay thì ở đâu cũng sống được. Hơn nữa ở bậc sơ học, Bác Tôn thường đọc sách Quốc văn mà thầy giáo Nguyễn Thượng Khách đã dạy:
Ai ơi tiền của ê hề,
Cũng không bằng có một nghề trong tay.
Nghề nào cũng trọng, cũng hay,
Làm quan cũng quý, đi cày cũng sang.
Tốt nghiệp thợ máy, bắt buộc phải làm việc cho các xưởng của Pháp, trước nhất là tuyển vào làm việc cho Ba Son được thành lập từ năm 1863 để sửa chữa tàu bè của Pháp. Ba Son trở nên một xí nghiệp tập trung nhiều công nhân mà là những công nhân có kỹ thuật cao thời ấy. Nhưng tình cảnh của nhiều người thợ con đông, vợ yếu làm không đủ nuôi sống gia đình. Bác Tôn nghĩ ra việc quyên góp tiền để cứu giúp những người thợ ấy, dần thành lập Hội Ái hữu vào năm 1910, một tổ chức Hội quần chúng đầu tiên do Bác Tôn sáng lập.
Chiến tranh thế giới lần I bên góc trời Tây Âu bỗng trở nên gánh nặng đè lên vai những người dân vô tội ở Đông Dương. Lệnh động viên ban ra từ nước Pháp đối với người dân các nước thuộc địa. Những người thợ xưởng Ban Son cũng không thoát khỏi cảnh động viên này.
Ngày 7/9/1916 chiếc tàu Ganiely cập bến Nhà Rồng, hơn 400 lính thợ bị ép buộc xuống tàu sang Pháp. Đến ngày 9/10/1916, Bác Tôn Đức Thắng nhận lệnh xuống phục vụ chiến hạm France vì Bác Tôn là người thợ máy giỏi. Chính cơ hội đó, ngày 20/4/1919 lá cờ đỏ được kéo lên trên chiến hạm France trước cửa thành Sévastopol để phản đối thực dân Pháp đàn áp Cách mạng tháng Mười Nga.
Sau khi giải quyết xong hậu quả của cuộc phản chiến trên Biển Đen, một số lính thợ được giải ngũ, trong đó có Bác Tôn cởi bỏ bộ quần áo lính trở lại với bộ quần áo công nhân của mình vào cuối năm 1919. Trở lại Sài Gòn, Bác Tôn ở tạm tại đường Quai de Marne (nay là đường Phạm Thế Hiển) để tìm bạn bè. Trong hoàn cảnh đó, Bác Tôn và các đồng nghiệp quyết định tổ chức ra Công Hội bí mật và hoạt động tại xưởng Ba Son, Nhà đèn Chợ Quán, hãng rượu Bình Tây và hãng dầu Nhà Bè. Nhiệm vụ của Công hội bí mật là đoàn kết giai cấp công nhân, đấu tranh bênh vực quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chống áp bức, bóc lột, chống bất công, tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay.
Vĩnh Niên