Vài nét thân thế của Tuyên Trung Hầu Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên (1763- 1831) là một danh thần trung hưng thời nhà Nguyễn, ông phục vụ hai triều vua Gia Long và Minh Mạng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Trấn thủ Biên Hòa, Trấn thủ Định Tường, Trấn thủ Vĩnh Thanh, quyền Tổng trấn Gia Định thành thay cho Lê Văn Duyệt lúc về kinh, Quản thủ đồn Châu Đốc, Bảo hộ Cao Miên quốc ấn kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ. Ông mất ngày 28 tháng 5 năm Tân Mão (1831) tại Châu Đốc khi đương chức, hưởng thọ 68 tuổi. Là một nhân vật nổi tiếng có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp mở mang đất nước, nhất là phụ lực với Nguyễn Văn Thoại đào kinh Vĩnh Tế (1819- 1824), nhưng các quyển sử của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về ông quá ít, còn sách sử của các nhà nghiên cứu hiện đại thì còn khiêm tốn rất nhiều. Qua tư liệu, người viết xin ghi nhận thêm về thân thế và sự nghiệp của Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên. Về họ của Tuyên Trung Hầu có hai nguồn tài liệu có khác nhau: + Theo gia phả Nguyễn Hầu và các tư liệu công bố trước đây cho biết Nguyễn Văn Tuyên vốn họ Phan. Cho nên trước năm 1822, khi Trịnh Hoài Đức ghi chép về ông trong việc đào kinh Vĩnh Tế đã ghi nhận: “Vua ban dụ cho Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thống chế Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, Hữu quân Hữu bảo vệ Vệ úy, Chưởng cơ Tuyên Quang Hầu Phan Văn Tuyên đôn đốc dân phu trấn Vĩnh Thanh mỗi phiên 5000 người, lính thú đồn Oai Viễn 500 người, Chiêu trùy Tôn La Ha Toàn Phù người Cao Miên đem quân dân mỗi phiên 5000, ngày 15 tháng 12 khởi công…”1 Trong sách Đại Nam nhất thống chí, mục An Giang tỉnh, khi nói đến việc đào kinh Vĩnh Tế cũng ghi ông họ Phan: “Năm Kỷ Mão Gia Long thứ 18 đo thẳng từ hào sau phía hữu đồn Châu Đốc về phía Tây, qua Vàm Nao Ca Âm đến Cây Kè thành 205 dặm rưỡi, cho tên là sông Vĩnh Tế, sai Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thụy và Chưởng cơ là Phan Văn Tuyên bắt dân trong hạt cùng dân Cao Miên khai đào…”2. Trong sách Quốc triều Chính biên toát yếu cũng ghi: “Mọi Đá Vách ở Quảng Nghĩa lại nhiễu hại ngoài biên, Trấn thủ Phan Tấn Hoàng đánh bị thua. Ngài nghe tin, khiến Lê Văn Duyệt đem quân tới đánh; Phó đô thống Nguyễn Văn Trí, Vệ úy Phan Văn Tuyên, Nguyễn Văn Trượng đều theo đạo quân ông Duyệt. Duyệt đến thời các mọi chạy trốn cả. Ngài truyền chỉ lưu bọn Văn Trí, Văn Trượng ở lại phòng giữ; đòi Duyệt về”3. Trong tấm minh tinh (cũng gọi là cây triệu) đào được trên cổ áo quan của bà Đặng Thị Vị (sắc phong Đặng Thục Thận An Nhơn), chánh thất Phó Lãnh binh Nguyễn Trường Cửu (con trai trưởng Tuyên Trung Hầu), trong cuộc bốc mộ ngày 21 tháng 4 năm Tân Hợi (1971) cũng xác định dòng dõi này họ Phan. Do Tuyên Trung Hầu lập được nhiều công trận nên họ Phan của ông được vua Minh Mạng ban quốc tính đổi thành họ Nguyễn như trường hợp của Nguyễn Huỳnh Đức. 4 Theo đó, các bộ chính sử của Quốc sử quán Triều Nguyễn sau nầy ghi chép thống nhất về ông: TUYÊN TRUNG HẦU NGUYỄN VĂN TUYÊN, trong các bộ sách: Đại Nam liệt truyện tập 1-2, NXB Thuận Hóa 2014, quyển 17,trang 389. Đại Nam nhất thống chí tập 5, NXB Thuận Hóa Huế- 1992, phần An Giang tỉnh, mục Nhân vật, trang 196. Trong tác phẩm “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, của tác giả Nguyễn Văn Hầu” khi đề cập việc đào kinh Vĩnh Tế, đã khẳng định phụ lực với Nguyễn Văn Thoại còn có Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên và Điều bát Nguyễn Văn Tồn. Và rõ nhất trong tài liệu công bố “Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên” của Nguyễn Văn Hầu do Ủy ban xây cất Lăng Miếu Tuyên Trung Hầu ấn hành tháng 6 năm 1971 là thuyết phục hơn cả. Như vậy, chúng ta đã rõ là Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên trước họ Phan, do lập nhiều chiến công được ban quốc tính họ Nguyễn. Về quê quán của Tuyên Trung Hầu: Theo gia phả Nguyễn Hầu, Nguyễn Văn Tuyên quê quán làng Kiêm Toàn, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình võ dõng, cha của ông là Phan Văn Hậu làm quan trải đến Vệ úy (đời Minh Mạng ban quốc tính thành Nguyễn Văn Hậu), mẹ là Võ Thị Đức. Thời tuổi thơ của Nguyễn Văn Tuyên gặp phải cảnh binh lửa diễn ra. Đó là vào năm Giáp Ngọ (1774) kinh đô Phú Xuân thất thủ trước cuộc xâm lấn của quân chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Quảng Nam, nhưng vùng này cũng bị Tây Sơn chiếm nốt, sau đó vào Gia Định. Nhưng đến năm 1777, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chánh Vương Nguyễn Phúc Dương bị bắt và bị xử tử, chỉ có Nguyễn Ánh trốn thoát ra Thổ Chu rồi sang Xiêm La nương náu. Lúc bấy giờ có nhiều gia đình xứ Ngũ Quảng bỏ quê chạy vào Nam, trong đó có gia đình Nguyễn Văn Thoại và Nguyễn Văn Tuyên. Khi thành Phú Xuân thất thủ, Nguyễn Văn Tuyên vừa tròn 12 tuổi cùng gia đình bỏ quê vào Gia Định, rồi xuống định cư tại bãi Tòng Sơn. Từ đó, suốt cuộc đời của Tuyên Trung Hầu gắn với vùng đất Tòng Sơn: lúc đầu quân, gia đình sinh sống lập nghiệp, khi mất cũng đưa về an táng nơi đây (bao gồm cha mẹ, anh em, con cháu), nên các bộ sách Quốc sử quán triều Nguyễn như: Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện…đều ghi ông người huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang thời nhà Nguyễn. Cha mẹ, anh em: + Thân phụ của Tuyên Trung Hầu tên là Phan Văn Hậu, được ban quốc tính đổi thành Nguyễn Văn Hậu, ông vốn xuất thân võ tướng, làm quan trải đến Vệ úy. Ông sinh năm 1722 và mất năm 1821, hưởng thọ 99 tuổi, được sắc phong “Anh Dũng Tướng quân, Khinh xa đô úy, Thần sách Vệ úy Nguyễn Hầu”. Mộ của ông nằm trong khu Lăng Tuyên Trung Hầu + Thân mẫu của Tuyên Trung Hầu tên là Võ Thị Đức, người thuộc dòng lễ nghĩa lương môn, sinh năm 1731 và mất năm 1814, hưởng thọ 83 tuổi. Bà được vua Minh Mạng khen là trang hiền mẫu sắc phong “Mỹ hiệu thục nhân”. Mộ của bà nằm trong khu Lăng Tuyên Trung Hầu. Ông Nguyễn Văn Hậu có ba người con: Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên; Nguyễn Công Lực - Đô úy triều Minh Mạng, chết trận ở Gò Sặt (Chân Lạp) và em út là Nguyễn Công Tấn. Sự nghiệp của Tuyên Trung Hầu: Nguyễn Văn Tuyên sinh năm Quý Mùi (1763), theo gia đình chạy giặc vào định cư Tòng Sơn, thuộc huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh, đầu năm Mậu Thân (1788) ra tòng quân đi đánh giặc, từng làm Phó vệ úy vệ Hổ uy quân Thần sách, có tội bị cách chức, rồi lại khởi phục nguyên hàm theo quân đi đánh giặc, năm Tân Dậu (1802) thăng Vệ úy, thăng Vệ úy vệ Kinh uy doanh Tiền quân. Gia Long thứ 11 (1812) thăng Vệ úy vệ Kiên uy doanh Tiền quân, rồi thăng Vệ úy vệ Chấn bảo nhất quân Chấn vũ Khâm sai chưởng cơ 5. Năm Gia Long thứ 15 (1816), kiêm quản Vệ úy Hữu bảo nhất Hữu quân, đem quân hai vệ Hữu bảo nhất, Hữu bảo nhị theo Lê Văn Duyệt đi đánh giặc ác man ở Quảng Ngãi; chém được hơn trăm đầu giặc, được thưởng 300 quan tiền. Sự kiện này được ghi nhận như sau: “Mọi Đá Vách ở Quảng Nghĩa lại nhiễu hại ngoài biên, Trấn thủ Phan Tấn Hoàng đánh bị thua. Ngài nghe tin, khiến Lê Văn Duyệt đem quân tới đánh; Phó đô thống Nguyễn Văn Trí, Vệ úy Phan Văn Tuyên, Nguyễn Văn Trượng đều theo đạo quân ông Duyệt. Duyệt đến thời các mọi chạy trốn cả. Ngài truyền chỉ lưu bọn Văn Trí, Văn Trượng ở lại phòng giữ; đòi Duyệt về”6 Ngày rằm tháng chạp năm Kỷ Mão (1819) năm Gia Long thứ 18, kinh Vĩnh Tế được khởi đào. Phụ lực với Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại, còn có Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên và Điều bát Nguyễn Văn Tồn. Nguyễn Văn Tuyên được sung làm Phó đổng lý trông coi việc đào kinh . Năm Minh Mạng năm thứ 3 (1822) theo chức cũ làm Trấn thủ Biên Hòa, vì có tang cha, xin từ chức. Đến tháng 6 năm 1822, khi hết tang cha, Nguyễn Văn Tuyên được bổ Trấn thủ Định Tường, sách Đại nam thục lục ghi: “Lấy Trấn thủ Định Tường là Nguyễn Văn Phong làm Trấn thủ Biên Hòa, Chưởng cơ Hữu quân là Nguyễn Văn Tuyên làm Trấn thủ Định Tường”8.. Mùa đông năm 1823 lại tiếp tục đào kinh Vĩnh Tế, Nguyễn Văn Tuyên hội đồng với Thống chế Nguyễn Văn Thoại và Trần Công Lại trông coi việc đào kinh Vĩnh Tế để sớm hoàn thành. Đến tháng 5 năm 1824 kinh Vĩnh Tế đào xong, Nguyễn Văn Tuyên được triệu về Kinh “Vời Chưởng cơ lãnh Trấn thủ Định Tường là Nguyễn Văn Tuyên về Kinh”9. Về Kinh thành Phú Xuân được 2 tháng, đến tháng 7 năm 1824 Trấn thủ Vĩnh Thanh là Trần Công Lại bệnh mất (người cùng chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế), Nguyễn Văn Tuyên được bổ làm Trấn thủ Vĩnh Thanh “Lấy Chưởng cơ lãnh Trấn thủ Định Tường là Nguyễn Văn Tuyên lãnh Trấn thủ Vĩnh Thanh”10. Về trấn nhậm Vĩnh Thanh mới mấy tháng, đến tháng 2 năm 1825, Nguyễn Văn Tuyên được bổ Thống chế coi biền binh thành Gia Định . Năm thứ 8 (1827) Tổng trấn Lê Văn Duyệt về Kinh, quyền nhiếp Tổng trấn vụ. Năm thứ 9 (1828), Lê Văn Duyệt trở về, Nguyễn Văn Tuyên lại cung chức như cũ. Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại bệnh mất ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829) khi đương chức Bảo hộ Cao Miên. Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên được bổ nhiệm thay Nguyễn Văn Thoại giữ chức Bảo bộ Chân Lạp quốc ấn, đóng giữ đồn Châu Đốc, kiêm lĩnh việc biên giới Hà Tiên. Sự kiện trên được Đại Nam thực lục ghi rõ: “Thống chế lãnh ấn bảo hộ nước Chân Lạp, án thủ thành Châu Đốc kiêm lãnh biên vụ Hà Tiên là Nguyễn Văn Thoại chết. Tặng chức Đô thống, gia thưởng 1.000 quan tiền, 5 cây gấm Tống, 10 tấm lụa, 30 tấm vải. Đặt quan bảo hộ Chân Lạp văn võ đều 1 người. Lấy Thống chế Nguyễn Văn Tuyên lãnh ấn bảo hộ nước Chân Lạp, án thủ thành Châu Đốc, kiêm lĩnh biên vụ Hà Tiên, Tả Tham tri Binh bộ là Bùi Đức Minh hiệp đồng bảo hộ. Chế lại ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc” (trước cấp “Bảo hộ đồng chương”)13 Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên giữ chức Bảo hộ Chân Lạp gần tròn 2 năm (tháng 6-1929 đến tháng 5-1831), ông bị bịnh mất khi đương chức, thọ 68 tuổi. Vua Minh Mạng cho 100 lạng bạc và 3 cây gấm Tống để mai táng. Linh cửu ông được đem về an táng khu lăng mộ gia đình ở bãi Tòng Sơn , thuộc Mỹ An thôn, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang, nay thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Do khu lăng mộ này nằm gần bờ sông Tiền, đã trải qua 140 năm bị xâm thực mạnh có nguy cơ lở xuống sông (1831- 1971). Nên vào ngày 15 tháng 5 năm 1971, hậu duệ của Tuyên Trung Hầu, chính quyền sở tại và nhân dân địa phương tổ chức lễ bốc toàn khu mộ về cải táng ở một địa địa điểm mới tại vàm rạch Cái Tàu Thượng, ấp An Ninh, xã Mỹ An Hưng A, Lấp Vò, Đồng Tháp cho đến nay. Khu Lăng mộ Tuyên Trung Hầu có một giá trị lịch sử rất quý giá cho việc nghiên cứu lịch sử, giáo dục truyền thống, phục vụ khách tham quan du lịch… Con trưởng nam của Tuyên Trung Hầu là Nguyễn Trường Cửu sinh năm Đinh Tỵ (1797) theo hàm tập ấm làm quan Phó lãnh binh ở Hải Tây, có lúc được cử nhiệm vụ An Hà Đốc phủ, tử trận ở Gò Sặt (Chân Lạp) ngày 12 tháng 12 năm Mậu Tuất (1838); con thứ là Trinh hàm Ngoại ủy cai cơ Trung dũng. Một vài nhận xét về Tuyên Trung Hầu: Năm 1788, Nguyễn Văn Tuyên tham gia tòng quân cho đến khi mất năm 1831 là tròn 43 năm, suốt thời gian trên, ông đã xông pha làn tên mũi đạn ở chiến trường, lập nhiều chiến công được nhà Nguyễn ghi nhận, ban quốc tính và tước Hầu, đó là một vinh dự lớn cho ông, dòng họ và quê hương Tòng Sơn xinh đẹp và anh hùng. Qua đó, tôi có một số ý kiến như sau: 1) Những năm cuối thế kỷ XVIII, xã hội phong kiến Việt Nam rối ren, chia cắt, miền Bắc thuộc quyền vua Lê chúa Trịnh, miền Nam phong trào khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, triều đại chúa Nguyễn suy tàn, Nguyễn Ánh lưu vong Vọng Các. Anh em Tây Sơn bất hòa đánh nhau, nhân cơ hội đó, năm 1787 Nguyễn Ánh quay trở lại đóng quân Tam Phụ, chiêu mộ binh dõng, người ứng nghĩa đông như “mây gió”, từ đó chiếm lại thành Gia Định. Những năm này, trên địa bàn Trấn Vĩnh Thanh xưa có nhiều thanh niên tòng quân, điển hình Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư (1787), Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên (1788)…đã góp công đấu tranh thống nhất đất nước, đưa xã hội phát triển. 2) Là một võ tướng, ông đã tham gia chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế, góp phần ổn định biên cương, mơ mang đất đai, thu phục nhân tâm, phát triển kinh tế - xã hội biên giới Việt Nam - Chân lạp. Khi con kinh Vĩnh Tế hoàn thành, người đời sau chỉ biết co Nguyễn Văn Thoại, còn những người chỉ huy khác ít ai nhắc đến: Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên, Trấn thủ Vĩnh Thanh Trần Công Lại, Điều bát Nguyễn Văn Tồn… Trong khi đó, Nguyễn Văn Tuyên với vai trò Phó đổng ly trực tiếp (Nguyễn Văn Thoại thường xuyên qua lại thành Nam Vang lo công việc bảo hộ), rồi đảm nhiệm Trấn thủ Định Tường, Trấn thủ Vĩnh Thanh huy động dân binh trong trấn tham gia đào kinh mấy lượt, nhưng sử sách ghi công của ông thật là khiêm tốn! 3) Tuyên Trung Hầu là một danh thần triều Nguyễn, ông dốc một lòng phục vụ đất nước, đã trải qua nhiều chức vụ và công việc nào cũng hoàn thành, lập công trạng lớn được ban quốc tính. Đó là niềm vinh dự của dòng tộc, con cháu sau này. Ông làm việc và mất còn đương chức, khi tuổi đã già. Đó la bài học lớn về dấn thân phục vụ đất nước cho đến hơi thở cuối cùng. Đề xuất: 1) Ông làm quan trấn nhậm nhiều nơi, nổi bật nhất là vùng đất Vĩnh Thanh xưa, đồn Châu Đốc, Bảo hộ Chân Lạp, tham gia chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế. Nhưng sách sử chép về ông quá ít, còn Nguyễn Văn Thoại quá nhiều. Do đó, tôi đề nghị Hội KHLS Đồng Tháp, Hội KHLS An Giang hoàn chỉnh lịch sử của ông, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét đặt tên đường, trường học để vinh danh ông với hậu thế. 2) Sau hội thảo này, Hội KHLS Đồng Tháp biên soạn quyển sách chính thức về Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên (có cả các bản sắc phong, chiếu chỉ, công văn …liên quan đến ông) để phát hành sâu rộng. 3) Bảo tàng Đồng Tháp phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Tuyên Trung Hầu trong lực lượng sinh viên, học sinh trong và ngoài tỉnh. Nếu chúng ta tiến hành thực hiện các nội dung trên là thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiền nhân có công với nước./. TRẦN VĂN ĐÔNG HỘI KHLS AN GIANG |